Thống kê truy cập

Liên kết website

Tin tức - Sự kiện

Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 và Tổng kết hoạt động Ủy ban chuyển đổi số quốc gia năm 2022

26/12/2022 08:40 41 lượt xem

​ CTTĐT – Sáng ngày 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Phó Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Dự có đồng chí Chúng Thị Chiên, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Vàng Seo Cón, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Do đó, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong năm qua, tình hình kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp của chuyển đổi số.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan những công việc đã làm được với tinh thần là “không tô hồng cũng không bôi đen”; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn làm cản trở đến việc công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; đồng thời tìm đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, rào cản, điểm nghẽn, bài học kinh nghiệm thì mới có giải pháp hiệu quả; đánh giá ý nghĩa của việc này tại các bộ, ngành, địa phương mình. Nếu người đứng đầu đơn vị quan tâm thì công việc này được triển khai tốt. Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06. Thủ tướng nhấn mạnh việc phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia nhanh, thuận lợi, hiệu quả; phải hành động, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng, các cấp, các ngành cần xác định rõ các quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng như trong dài hạn.

                                                                             Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Qua 01 năm triển khai thực hiện Đề án 06, các mục tiêu cơ bản có tính chất nền tảng của năm 2022 đã cơ bản đạt được. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu; Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm; Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới. Có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công an đã tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động.

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021); An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; Nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả tích cực.

Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra. Có trung bình 40 triệu người dùng/tháng sử dụng 03 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, tăng 43% so với năm 2021. Có 2,7 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng hơn 7,3 lần so với năm 2021.

Tại tỉnh Hà Giang, ngay sau khi có Quyết định phê duyệt Đề án 06 của Chính phủ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành nghị quyết số 18/NQ-TU về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm: Chuyển đổi số thực hiện trên cả 3 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tập trung thúc đẩy thực hiện chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số và Tổ công tác thực hiện Đề án 06 các cấp; Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tới 100% thôn, với 12.131 thành viên tham gia.

Kết quả, đã thực hiện được 23/25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tiếp nhận giải quyết trên 40 nghìn hồ sơ. Trong triển khai an sinh xã hội, đã xác minh thông tin, chi trả trợ cấp qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với các trường hợp thuộc diện hỗ trợ là 9.233 trường hợp. Triển khai thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân tại 213/213 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, với 59.468 lượt tra cứu, trong đó có 39.547 lượt tra cứu thành công (tỷ lệ tra cứu thành công đạt 66,5%).

Tính đến ngày 15/12/2022, tỉnh Hà Giang đã thu nhận 659.481 hồ sơ CCCD, định danh điện tử, đạt tỷ lệ hoàn thành 97%; thu nhận định danh điện tử 144.232 hồ sơ; tuyên truyền, hướng dẫn kích hoạt trên 21.000 tài khoản.

Tuy nhiên, theo đánh giá cho thấy, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của một số cơ quan, cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế, thiếu nhân lực. Hạ tầng số của tỉnh còn hạn chế, một số thôn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng di động, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh còn thấp. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị, đặc biệt một số máy tính, trang thiết bị cấp xã có cấu hình thấp, không đồng đều, ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi số.

Ứng dụng VNeID chưa cập nhật đầy đủ các tính năng, giấy tờ của người dân, thời gian chờ duyệt hồ sơ các mức còn chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, nhất là việc đăng ký tài khoản định danh điện tử, tham gia dịch vụ công.

Tỷ lệ hồ sơ gửi trực tuyến trên địa bàn còn thấp. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh thường xuyên nâng cấp theo yêu cầu nghiệp vụ kết nối dữ liệu và yêu cầu chỉnh sửa của các cấp, ngành nên đôi khi bị lỗi, truy cập chậm. Một số thủ tục hành chính có quy trình, thủ tục pháp luật chưa phù hợp với thực hiện trên môi trường mạng.

 

Nguyễn Đoan

Tin khác